Quy ước đánh số Lông bay

Để thuận tiện cho việc trao đổi về các chủ đề như quá trình thay lông hoặc mô tả cấu trúc cơ thể dễ dàng hơn, các nhà điểu học đã đánh số cho mỗi chiếc lông bay. Theo quy ước, các số được gán cho lông sơ cấp luôn bắt đầu bằng chữ P (viết tắt cho primary) chẳng hạn như P1, P2, P3, các lông thứ cấp là chữ S (secondary), các lông cấp ba là chữ T (tertiary) và các lông bay đuôi thì là chữ R (rectric).[30]

Hầu hết các tác giả đánh số các lông sơ cấp theo thứ tự giảm dần, bắt đầu từ lông nằm phía trong cùng (nằm gần nhất với lông thứ cấp) và đánh số ra phía ngoài; một số khác lại đánh số theo thứ tự tăng dần, tức là đánh số từ lông xa nhất và trở vào trong.[11] Mỗi phương pháp đều có lợi thế riêng. Đánh số lông theo kiểu giảm dần giúp thể hiện trình tự thay lông sơ cấp ở đa số loài chim. Trong trường hợp một loài bị thiếu lông sơ cấp ở vị trí xa nhất, như một số loài sẻ được nói ở trên, thì các số thứ tự còn lại cũng không bị ảnh hưởng. Đánh số theo kiểu tăng dần lại giúp thống nhất số thứ tự các lông sơ cấp ở các loài không phải sẻ. Chẳng hạn, các loài chim hầu như luôn có bốn chiếc lông gắn với xương bàn tay, bất kể chúng có bao nhiêu lông sơ cấp tổng số.[11] Phương pháp này đặc biệt hữu ích để chỉ ra các công thức cánh, vì các lông sơ cấp ngoài cùng thường là nơi bắt đầu việc đo đạc.

Lông thứ cấp luôn được đánh số tăng dần, bắt đầu với lông thứ cấp ở ngoài cùng (nằm gần nhất với lông sơ cấp) và đánh số vào bên trong.[11] Lông cấp ba cũng được đánh số tăng dần, nhưng trong trường hợp này, các số sẽ được đánh tiếp tục theo số của lông thứ cấp cuối cùng (ví dụ:... S5, S6, T7, T8,... v.v).[11]

Các lông bay đuôi luôn được đánh số từ cặp trung tâm ra ngoài theo cả hai hướng.[31]